Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 09/01/2024 - 06:04

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam tại “Hội nghị Tổng kết công tác của Chi hội Nông nghiệp Tuần hoàn miền Nam năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024”, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 8/1/2024.

Quang cảnh hội nghị

Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, bà Hồ Thị Tú Anh – Chi hội trưởng Chi hội miền Nam cùng gần 50 khách mời là đại diện các sở NN&PTNT, HTX, hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực phía Nam và báo đài tham dự đưa tin.

Làm NNTH, NNHC phải có sự hy sinh, chia sẻ

Tại hội nghị tổng kết, nhiều ý kiến của các hộ nông dân, HTX đã và đang tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cùng Tập đoàn Quế Lâm đều khẳng định khi tham gia vào chuỗi liên kết này người nông dân rất có lợi (lợi về kiến thức, kinh tế) và mong muốn Tập đoàn Quế Lâm mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới để tạo ra nhiều kế sinh nhai cho bà con nông dân tại khu vực phía Nam.

Ông Nguyễn Hồng Lam phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ với đại biểu tham dự buổi tổng kết, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chi hội miền Nam trong suốt thời gian qua và khẳng định kinh tế nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là kinh tế của thời đại, vì đây là thời đại ăn ngon mặc đẹp, sống tốt, sống khỏe. Làm nông nghiệp tuần hoàn là bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều sinh kế, bảo vệ sức khỏe cho người trồng, người nuôi và đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Đảng và Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách từ lâu, từ sớm và từ xa. Tuy nhiên, đây là một “cuộc cách mạng” có thể nói là rất khó khăn! Nông nghiệp là một lĩnh vực bị phụ thuộc vào thời tiết, thiên nhiên và có rất nhiều rủi ro, vì phải thay đổi nhận thức của người sản xuất, của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp làm nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân.

Các đại biểu chăm chú xem phim “Hành trình xây dựng lòng tin” do Ban Truyền thông Hội NNTH VN thực hiện.

Làm kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp tuần hoàn thì phải có sự hy sinh, phải có sự chia sẻ, nhất là trong thời điểm và thời cảnh này thì càng phải có tố chất đó. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp phải làm đầu tàu để dẫn dắt bà con nông dân thành chuỗi giá trị, bởi vì 2 yếu tố quan trọng: một là chất dinh dưỡng hữu cơ ở đâu để bà con nông dân làm nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; hai là phải có công nghệ, kỹ thuật, công nghệ vi sinh để biến các phụ phẩm trong nông – lâm – thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt”, nhà khoa học của nhà nông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ và cho biết lợi ích cốt lõi của nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là nông nghiệp không bỏ đi thứ gì. Nếu được tính toán một cách chi li và cụ thể thì nông nghiệp đó mới có kinh tế, mới có sinh kế.

Ông Nguyễn Hồng Lam cho biết đã thành lập Quỹ bảo đảm an toàn cho người nông dân, do đó khi người nông dân tham gia làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn với Tập đoàn Quế Lâm sẽ được đảm bảo tuyệt đối.

Chi hội miền Nam nỗ lực triển khai nhiều hoạt động

Theo báo cáo của Chi hội Nông nghiệp Tuần hoàn miền Nam, tuy mới thành lập được hơn 8 tháng, lại hoạt động tại một địa bàn rộng lớn (từ Phú Yên đến đất mũi Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên), có điều kiện tự nhiên và khí hậu đa dạng, nhưng chi hội đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai phát biểu.

Đến hết năm 2023, chi hội đã kết nạp được gần 70 hội viên. Ngoài hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp và các đại lý tiêu thụ nông sản hữu cơ, chi hội còn phát triển được hội viên là giảng viên có học vị tiến sĩ tham gia làm nông nghiệp hữu cơ. Chi hội cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ở khu vực phía Nam như mô hình thanh long ở Châu Thành (Long An); khảo sát mới mô hình lúa nếp ở Thạnh Hóá (Long An); mô hình lúa ở Tam Nông (Đồng Tháp); mô hình vú sữa và ổi ở huyện Kế Sách; mô hình lúa tôm ở Mỹ Xuyên; mô hình dưa hấu ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng); mô hình lúa tôm, lúa ST ở Bạc Liêu; mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Sông Ray huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), mô hình trồng chè ở Di Linh (Lâm Đồng)… để tiếp cận và mời các hộ nông dân tham gia làm hội viên.

Ông Nguyễn Văn Phương- Giám đốc HTV Xóm Đồng 2 (Sóc Trăng), chia sẻ về mô hình vú sữa và ổi hữu cơ.

Bên cạnh mở rộng hội viên tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chi hội cũng đồng thời tiến hành khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ trên địa bàn TP.HCM và các tinh lân cận nhằm nắm bắt xu hướng, thị hiếu tiêu thụ nông sản hữu cơ. Kết quả đã liên hệ, tiếp cận được hơn 10 đầu mối là các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm phân bón, nông sản hữu cơ, trong đó có 4 cửa hàng ở TP.HCM và 1 cửa hàng ở Bà Rịa Vũng Tàu với số lượng gạo tiêu thụ hơn 1.000 kg; Đặt vấn đề hợp tác và mời Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op tham gia làm Hội viên Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam.

Anh Lê Văn Liêm thực hiện mô hình lúa – tôm ở Bạc Liêu phát biểu.

Để gặt hái được những “trái ngọt” trong năm 2023 là do Chi hội miền Nam (Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam) may mắn tập hợp được những con người có tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, có trách nhiệm với công việc. Đồng thời, ngoài các hội viên, bà con nông dân tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chi hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và thường xuyên của lãnh đạo Hội, nhất là Chủ tịch hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam Nguyễn Hồng Lam và các đồng chí Phó Chủ tịch Hội…”, bà Tú Anh chia sẻ.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch Nguyễn Hồng Lam.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Nam cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các phòng Ban của Hội; với Ban Nông nghiệp miền Nam của Tập đoàn Quế Lâm; với các đơn vị phía Nam của Tập đoàn Quế Lâm để triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một cách sâu rộng, hiệu quả; Tiếp tục phối hợp cùng Ban Truyền thông của Hội và Công ty Truyền thông Quế Lâm đẩy mạnh và nâng cao công tác thông tin truyền thông về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Không ngừng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng thông tin và hiệu quả tuyên truyền qua trang web của Hội; thực hiện các Videos clip, các bộ phim tài liệu; các ấn phẩm của Hội ngày càng chất lượng và hiệu quả.

T.A

 Tin tức liên quan