Những chứng nhận hữu cơ khắt khe nhất thế giới
Các chứng nhận hữu cơ nổi tiếng nhất thế giới không chỉ dừng lại ở các quy định về nguồn đất-nước hay con giống mà còn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về bao bì, dán nhãn và đặc biệt là tính bền vững với môi trường tự nhiên. Những chứng nhận hữu cơ có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới như sau:
JAS: Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản
JAS gọi chính xác là Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, được bộ Nông nghiệp Nhật Bản sáng lập nhằm đưa ra những tiêu chí chung cho các sản phẩm nông sản của quốc gia này. Hệ thống tiêu chuẩn của Chứng nhận hữu cơ JAS quy định nghiêm ngặt về các yếu tố như: Nguồn đất (không được sử dụng phân bón hóa học trong 2 năm trước khi canh tác); nguồn phân bón (hữu cơ); con giống (nghiêm cấm sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi biến đổi gen); trong chăn nuôi (nghiêm cấm sử dụng chất kích thích tăng trọng, không được sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn)…
Chứng nhận hữu cơ USDA – Hoa Kỳ
USDA là chứng nhận hữu cơ được cấp bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, là một trong những chứng nhận uy tín nhất thế giới. Để đạt được chứng nhận hữu cơ USDA Hoa Kỳ, các trang trại cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như: con giống sạch, không biến đổi gen; nguồn đất – nước sạch; canh tác tự nhiên; chăn nuôi thả đàn; kiểm soát dịch bệnh, cỏ dại bằng biện pháp cơ học… cùng rất nhiều quy định cụ thể, nhỏ nhặt khác.
Chứng nhận hữu cơ USDA rất chú trọng đến việc dán nhãn bao bì. Nhãn “100% hữu cơ” chỉ được dán cho những sản phẩm có chất lượng tương đương. Ngoài ra còn có nhãn “hữu cơ”, tương đương 95% thành phần hữu cơ; và nhãn “được làm từ các sản phẩm hữu cơ” tức 70 – 80%.
Chứng nhận hữu cơ Organic EU – tiêu chuẩn hữu cơ khắt khe nhất Châu Âu
Organic EU là chứng nhận hữu cơ dùng cho khắp Châu Âu và là một trong những chứng nhận hữu cơ có những tiêu chí khắt khe nhất thế giới. Không chỉ dừng lại ở những quy định nghiêm ngặt về nguồn nước, nguồn đất, con giống, cách chăm sóc… các trang trại muốn nhận được Chứng nhận hữu cơ Organic EU cần phải đảm bảo các yêu cầu: Sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, có trách nhiệm; đảm bảo duy trì đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái trong khu vực canh tác; nuôi dưỡng, nâng cao độ phì nhiêu của đất; đảm bảo duy trì chất lượng nguồn nước; bảo vệ sự an toàn và tập tính hoang dã của các loài động vật sống xung quanh…
Như vậy, Chứng nhận hữu cơ Organic EU không chỉ dừng lại ở việc nghiêm cấm sử dụng chất cấm trong nông nghiệp, đảm bảo canh tác sạch, mà còn rất chú trọng đến môi trường sống tự nhiên. Canh tác bền vững và hòa hợp với thiên nhiên.
Phương Anh (tổng hợp)