Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 11/07/2023 - 15:39

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phát triển NNHC phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước chưa thực sự phát triển; giá cả còn cao; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hữu cơ…

Bộ trưởng Bộ NNPT NT Lê Minh Hoan kiểm tra thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền.

Chấp nhận thách thức lớn

Chia sẻ tham luận tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm NNHC 2022, ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty Vinamit, đánh giá phát triển NNHC ở VN có tiềm năng và cơ hội rất lớn nhưng khó khăn và thách thức cũng không hề nhỏ. Để biến khó khăn thành tiềm năng, thách thức thành cơ hội đòi hỏi có một sự đầu tư bài bản ngay từ ban đầu và duy trì phát triển liên tục qua thời gian tồn tại và phát triển.

Ông Viên liệt kê hàng loạt những khó khăn khi phát triển NNHC, trong đó có vấn đề thị trường. Thị trường đã quen với sản phẩm nông nghiệp hóa chất với hàng đẹp, giá rẻ. Chính vì vậy, thách thức đặt ra là làm sao phải sản xuất ra sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao với giá thành phù hợp được thị trường chấp nhận. Thách thức này không hề nhỏ trong những giai đoạn đầu tạo dựng hệ thống NNHC.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng từ sản xuất NNHC, đâu là hàng không phải hữu cơ. Điều này dẫn đến cần phải tốn rất nhiều chi phí để người tiêu dùng hiểu được thế nào là sản phẩm hữu cơ để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Dù vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả ban đầu nhưng lãnh đạo Vinamit nhìn nhận làm hữu cơ là con đường dài mà người đi trên đó phải luôn luôn cải tiến liên tục để hoàn thiện.

Là người gắn bó 40 năm với NNHC, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ để nói lên những thử thách, khó khăn khi đi trên con đường này trong vài chục phút thì không diễn tả hết. Tuy nhiên, 40 năm qua, bản thân ông nhận thấy nếu không dám hy sinh, đối mặt vượt qua từng thời kỳ thăng trầm thì khó mà có Tập đoàn Quế Lâm như hôm nay.

Ông Lam đã chỉ ra nút thắt trong phát triển NNHC hiện nay nổi lên những vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì NNHC mới có thể coi là thực sự thành công.

Nông dân Sóc Trăng tham gia hợp tác, liên kết trồng dưa hấu hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm.

Xây dựng niềm tin: Câu chuyện của Tập đoàn Quế Lâm

Bài học ông Lam đúc rút từ hành trình của cá nhân và của Quế Lâm là xây dựng lòng tin. Chỉ có xây dựng lòng tin bằng việc chứng minh hiệu quả từ các mô hình đã thành công mới có thể phát triển được NNHC một cách bài bản. Xây dựng lòng tin là nói đi đôi với làm, đặc biệt là với người nông dân, lấy thực tiễn để chứng minh hiệu quả.

Mặt khác, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng chỉ ra những khó khăn khi thương mại sản phẩm hữu cơ, đó là câu chuyện gặp khó về chi phí xin giấy chứng nhận hữu cơ. “Chúng ta không thể làm giấy chứng nhận hữu cơ mà tốn chi phí quá cao, lên tới cả tỷ đồng. Với chi phí này thì nói thực người làm hữu cơ không thể duy trì đủ sống chờ đến khi bán được hàng”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm bày tỏ mong muốn nên giảm bớt chi phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ.

Từ niềm tin đó, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng mong rằng Nhà nước phải có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện liên kết theo chuỗi. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, bằng mọi giá phải giải được đề bài do Nhà nước đề ra.

Liệt kê hàng loạt thương hiệu làm hữu cơ hiện nay như Vinamit Organic, Happy Vegi, Organicfood.vn, Đà Lạt GAP Store, Hoa Sữa Food…, bà Vũ Thị Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao, đánh giá có nhiều thách thức đang đặt ra cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm hữu cơ, trong đó trở ngại lớn nhất là về giá.

Mặt khác, các doanh nghiệp, nông dân đang sản xuất hay kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ đều có chung một điểm là thiết tha kiến nghị hãy giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm VN.

“Mà thực tế thì không có ông chủ doanh nghiệp, chính quyền cấp nào có thể có đủ sức, đủ năng lực để kiểm tra và ngăn chặn hoàn toàn vi phạm về tiêu chuẩn. Đó là việc cần giao cho sự giám sát xã hội. Nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm, cũng là cho mình và cho nền kinh tế nói chung”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), để phát triển NNHC, chúng ta cần xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, điều này cần quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Thanh Nhân

 Tin tức liên quan