Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 13/06/2023 - 15:44

Với khát vọng đồng hành với các địa phương và nông dân ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất NNHC, những năm qua, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết, hỗ trợ triển khai các mô hình điểm tại các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Bằng sự kiên trì và trách nhiệm, những mô hình NNHC đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.

Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân (đội mũ đỏ) – nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tham quan mô hình liên kết với Quế Lâm trồng lúa theo hướng hữu tại xã An Long, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Từ trăn trở, chỉ đạo của Bộ trưởng…

Mặc dù chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, tuy nhiên ĐBSCL đang đứng trước những tác động và thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm nguồn đất, nước, tình trạng lạm dụng thuốc ảo vệ thực vật, phân bón vô cơ… Điều này khiến rất nhiều người trăn trở. Những vấn đề đó làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động để chuyển biến nền nông nghiệp ĐBSCL mang hình ảnh nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Muốn làm được điều đó, phải minh bạch, công khai, sáng tỏ; phải trách nhiệm với cả người nông dân, người tiêu dùng; trách nhiệm với cộng đồng xã hội; làm sao để hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón, thuốc BVTV không tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, để chúng ta còn chuyển giao cho mai sau.

Theo Bộ trưởng, cần phải thiết lập được hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản. Những liên minh này cùng với các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, làm sao để những mô hình tốt trên thực tế đã và đang triển khai sẽ lan tỏa trong suy nghĩ của nông dân rằng, không thể đi theo con đường cũ nữa mà cần vạch ra con đường mới để đi.

… đến khát vọng của các địa phương, khát vọng của nông dân

Những năm qua, bằng việc hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, nhiều mô hình NNHC, nông nghiệp trách nhiệm đang lan tỏa mạnh mẽ ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại Đồng Tháp, sau Lễ ký kết Hợp tác sản xuất NNHC giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Quế Lâm, mới đây, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu tại xã An Long, huyện Tam Nông đã được tổng kết. Từ vụ hè thu 2021, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ với diện tích gần 5ha, canh tác lúa OM 5451, năm nay diện tích được mở rộng lên gần 21ha. Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cũng tiến hành sử dụng quy trình, phân bón Quế Lâm để hỗ trợ người dân thực hiện thêm mô hình 50ha, với 41 hộ dân tham gia.

Mô hình này đã chứng minh được hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn đối với sức khỏe người sản xuất. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm trong quá trình canh tác mô hình với các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu… giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp, thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển.

Mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển dần từ tập tục canh tác truyền thống sử dụng phân bón hóa học sang canh tác theo hướng hữu cơ và tiến tới canh tác hữu cơ, góp phần tạo nên thương hiệu gạo an toàn, chất lượng cho tỉnh Đồng Tháp.

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết thực hiện 5,2ha mô hình trồng lúa, 0,6ha trồng hành tím và 0,7ha trồng bưởi da xanh. Tất cả các mô hình trên đều đem lại hiệu quả tốt về năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho hộ dân.

Mô hình liên kết với Quế Lâm trồng hành tím hữu cơ tại huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Trên cơ sở hiệu quả các mô hình sử dụng phân hữu cơ Quế Lâm, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã nhân rộng và lồng ghép các chương trình, dự án hướng nông dân sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm có nguồn gốc sinh học trên lúa và cây trồng khác tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Cụ thể có 29 mô hình lúa với diện tích gần 664ha, trên hành tím 9 mô hình, diện tích 116ha và 45 mô hình mở mới và cải tạo trên cây ăn trái với diện tích 76ha…

Tại tỉnh Long An, từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Quốc Trịnh ở xã Phú Long, huyện Châu Thành đã hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ. Từ 400 trụ thanh long tím hồng vào năm 2018, đến nay mô hình đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3 ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7 – 15%, mỗi vụ thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Ông Trịnh khẳng định, đó là cơ sở để các mô hình liên kết NNHC ở Long An liên tục được mở rộng.

Cùng tạo “hệ sinh thái” nông nghiệp trách nhiệm

Ông Nguyễn Thanh Vĩnh – TGĐ Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ: Thông qua liên kết, hợp tác sản xuất với các HTX, đơn vị ở các tỉnh trong cả nước, Quế Lâm đã ban hành quy trình sản xuất gạo hữu cơ khép kín, an toàn và chất lượng cao; quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học; ký kết hợp tác với các cơ quan ban ngành để giám sát, thực hiện “Quy trình chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh NNHC, nông nghiệp sạch, bền vững”.

Các mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, được đông đảo bà con nông dân, lãnh đạo các tỉnh, thành trên khắp cả nước ủng hộ. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất NNHC được Bộ NN- PTNT nhân rộng trên khắp cả nước. Những thành tựu đó ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân của Tập đoàn Quế Lâm để phát triển nền nông nghiệp trách nhiệm.

Trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn đầu năm mới 2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cảm thấy trân quý những đóng góp của Quế Lâm, không chỉ với riêng vai trò dẫn dắt nông dân làm NNHC, tuần hoàn mà còn là những giá trị đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Kết quả của các mô hình liên kết ở các địa phương cho thấy câu chuyện về hành trình làm nông nghiệp tử tế và trách nhiệm của Quế Lâm, đặc biệt là hành trình phục hồi chất dinh dưỡng trả lại cho đất là câu chuyện tỉnh thức cho tất cả chúng ta.

H.A

 Tin tức liên quan