Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 28/10/2024 - 13:17

Huyện Hương Khê là đơn vị thứ 8 ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ – kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị với Hội NNTH Việt Nam và Tập đoàn Quế Lâm tại Hà Tĩnh. Trước đó là các huyện như Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ.

Ngày 28/10, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Hội NNTH Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm và UBND huyện Hương Khê đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ – kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị.

Hương Khê có 3 mô hình xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ

Theo báo cáo, huyện Hương Khê có tổng diện tích cây ăn quả 4.759 ha, sản lượng ước đạt 42.953 tấn. Trong đó bưởi Phúc Trạch 2.730,21 ha, diện tích cho sản phẩm thu hoạch 2.188,79 ha, năng suất bưởi Phúc Trạch ước đạt 121,58 tạ/ha, sản lượng 26.610,96 tấn, ước đạt 665 tỷ đồng; Cam diện tích 2.030 ha, diện tích thu hoạch 1.680 ha, năng suất ước đạt 97.5 tạ/ha, sản lượng 16.380 tấn, giá trị ước đạt 403 tỷ đồng; Chè công nghiệp diện tích 183 ha, diện tích kinh doanh 165 ha, năng suất 110 tạ/ha, sản lượng 1.815 tấn, giá trị sản xuất đạt 12,7 tỷ đồng; Lúa diện tích gieo trồng 5.990 ha, năng suất bình quân 53,4 tạ/ha, sản lượng 32.001 tấn, giá trị ước đạt 225 tỷ đồng; Ngô diện tích 4.655,8 ha, năng suất 51,5 tạ/ha, sản lượng 21.711 tấn, giá trị ước đạt 169 tỷ đồng.

Về chăn nuôi, tổng đàn lợn 50.0340 con, sản lượng thịt hơi 8.848 tấn, giá trị 575,2 tỷ đồng. Tổng đàn trâu 17.200 con, sản lượng thịt hơi đạt 681 tấn, giá trị 47,7 tỷ đồng. Tổng đàn bò 16.095 con, sản lượng thịt hơi 797 tấn, giá trị đạt 55,8 tỷ đồng. Tổng đàn hươu 1.210 con, sản lượng nhung 0,72 tấn, giá trị đạt 8,3 tỷ đồng. Tổng đàn gia cầm 1.250.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.103 tấn, sản lượng trứng ước đạt 75.000 quả, giá trị 314,3 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.

Về sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hiện nay toàn huyện có 3 mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ (mô hình trồng cam hữu cơ Nhật Anh, thôn Hưng Bình, xã Lộc Yên, với quy mô 1 ha, sản lượng ước đạt 10 tấn/năm, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngày 11/11/2022; Mô hình sản xuất bưởi Phúc Trạch theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ tại thôn 7, xã Hương Thủy với quy mô diện tích 2 ha, sản lượng ước đạt 21 tấn/năm, được cấp giấy chứng nhận ngày 22/8/2022; Mô hình sản xuất bưởi Phúc Trạch theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất Bưởi Phúc Trạch Hữu cơ thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, quy mô diện tích 4ha, sản lượng ước đạt 52 tấn/năm, được cấp giấy chứng nhận ngày 15/8/2023) và 3 nhóm hộ sản xuất bưởi được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ PGS với diện tích 11,6 ha (nhóm Bưởi hữu cơ Bắc Ngọc; nhóm Bưởi hữu cơ Trường Rầm, thôn Ngọc Bội và nhóm Bưởi hữu cơ Cồn Soi của xã Hương Trạch)…

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Thanh Điện – Tỉnh uỷ viên, Bí Thư huyện uỷ Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai thành công tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường tốt. Các mô hình này cần được tổng kết, nhân rộng và tiếp tục được hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi sự thay đổi tư duy, tập quán canh tác và quyết tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Thanh Điện – Tỉnh uỷ viên, Bí Thư huyện uỷ Hương Khê (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội nghị.

Ông Điện cũng nhấn mạnh vai trò của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp hữu cơ, bao gồm công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, tiêu thụ sản phẩm v.v…

Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội NNTH Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, truyền cảm hứng tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội NNTH Việt Nam cũng cho biết, việc thay đổi nhận thức cho người nông dân là một thách thức lớn do nhiều yếu tố như trình độ, điều kiện sống và tâm lý của nông dân.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ban ngành để hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho nông dân như: Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân; Hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất để nông dân có điều kiện sản xuất tốt hơn; Xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từ đó lan tỏa kinh nghiệm cho nông dân khác; Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị bền vững và nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân đối với cộng đồng và xã hội.

PV Truyền thông Quế Lâm

 Tin tức liên quan