Cột mốc mới của nền nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam
Sáng 19/12/2021, tại Hà Nội đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm được bầu làm Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nhiệm kỳ đầu tiên.
Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, lần đầu tiên cụm từ “kinh tế tuần hoàn” được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu phát triển bền vững bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới.
Đó cũng là lí do ngày 8/6/2021, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 713/QĐ-BNV thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.
Mục đích của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam là tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn. Hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất – nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất – nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.
Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Là cầu nối để các bên tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp kiểu truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, thuận tự nhiên, khép kín, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tập đoàn Quế Lâm tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn
Là doanh nghiệp hạt nhân, vận động và bảo trợ thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm và cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam kỳ vọng, với định hướng đúng đắn, bằng năng lực và khát vọng mạnh mẽ về một nền nông nghiệp tuần hoàn, Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Sau 20 năm kiên trì theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ, đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng được một chuỗi sản xuất tuần hoàn từ phân bón hữu cơ, đến chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt hữu cơ.
Tập đoàn hiện có 13 công ty thành viên trực thuộc, trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trải đều trên khắp cả nước (Miền Bắc – Miền Trung – Tây Nguyên – Miền Nam) hàng năm cung cấp cho thị trường gần 1 triệu tấn phân bón hữu cơ. Một số nhà máy được đầu tư hàng trăm tỷ đồng được lắp đặt những dây chuyền máy móc hiện đại vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam Á như nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh BIOTECH Quế Lâm tại tĩnh Vĩnh Phúc, nhà máy phân bón Quế Lâm Long An, nhà máy phân bón Quế Lâm Tam Phước tại tỉnh Đồng Nai.
Tập đoàn đã xây dựng được một chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm- Food – Feed – Fertilizer) dự án được xây dựng trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Toàn bộ dự án được xây dựng khang trang, hiện đại, có quy mô nuôi từ 8.000 – 10.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái phục vụ việc tái và phát triển đàn, và hoàn toàn tự động trong các khâu thức ăn và nước uống.
Mô hình chăn nuôi này hoàn toàn theo phương pháp an toàn sinh học, trong đó công nghệ lõi chính là men vi sinh do Quế Lâm chuyển giao công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản. Việc áp dụng công nghệ vi sinh trong toàn bộ quy trình chăn nuôi của Quế Lâm từ các khâu giống đến chuồng trại, chăm sóc, chống lại dịch bệnh, chất lượng sản phẩm đã được minh chứng bằng sự thành công lan tỏa mô hình trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Quan trọng hơn, bằng sự bền bỉ, kiên định trong hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đối với lĩnh vực này. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Từ phân bón đến trồng trọt và chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, những mô hình của Quế Lâm ngày càng gây được tiếng vang lớn và lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và bà con nông dân cũng tích cực liên kết, hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mong muốn của Tập đoàn Quế Lâm và của cá nhân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Lam là chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng phạm vi hoạt động, hợp tác cùng phát triển và chuyển giao những mô hình hiệu quả về nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm cho các thành phần khác trong xã hội. Từ đó lan tỏa và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững, nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nền nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chí Vịnh