Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 25/01/2024 - 15:58

Dù có thể mang về gần 60 tỷ USD kim ngạch trong năm 2023, nhưng ngành nông sản của Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt khi các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU… ngày càng chú trọng về môi trường và phát triển bền vững.

Việt Nam bứt phá trong xuất khẩu nông sản

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài”, diễn ra vào ngày 14/9/2023 tại TP HCM, do Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ nhận định, với ưu thế về địa lý, điều kiện tự nhiên và các ưu đãi từ các FTA, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự bứt phá trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam đạt 53,2 tỷ USD vào năm 2022, là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều. Việt Nam hiện là một trong ba nhà cung ứng lớn nhất thế giới về cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được dự báo gần 60 tỷ USD.

Phát triển xanh trở thành thách thức cho ngành nông sản Việt

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, ngành nông sản Việt vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống thể chế chính sách, quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam còn chậm, chưa phù hợp với xu thế hội nhập.

Bên cạnh đó, ngành nông sản của Việt Nam còn đối mặt với tổn thất sau thu hoạch, thiếu ổn định an toàn thực phẩm, chất lượng chưa điều chỉnh kịp thời theo nhu cầu thị trường. Tỷ trọng sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, bền vững còn thấp.

Mặt khác, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất nông nghiệp, hệ thống logistics theo chuỗi giá trị cung ứng nông sản tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu; chuyển giao, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn chậm. Yêu cầu kỹ thuật đối với nông sản ngày càng cao, gắn với phát triển xanh, bền vững (bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, phúc lợi xã hội…).

Cũng liên quan đến phát triển xanh, bà Hiền cho rằng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

“Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, các quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia, khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27”, bà Hiền nói.

Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU lại đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Giữa tháng 5/2023, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.

Cuối tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Theo bà Hiền, chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp nếu muốn đáp ứng yêu cầu, giữ vững và tiếp tục phát triển tại các thị trường xuất khẩu. Xu hướng này cũng đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

“Vì ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra. Trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”, bà Hiền nhận định.

Bảo Châu

 Tin tức liên quan