Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 22/01/2024 - 16:02

Người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp cần hơn nữa những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá về đất đai, nhân lực, tài chính, tín dụng, thuế, khoa học công nghệ từ các cơ quan quản lý Nhà nước trên hành trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh.

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi làm NNHC

Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết, người nông dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang phải thay đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để thích nghi với sự biến đổi của toàn cầu, đặc biệt là những biến đổi về thị trường, luật pháp, chính sách. Đồng thời, đáp ứng tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu là đi theo con đường sinh thái.

Ông Lê Văn Đồng – TGĐ Công ty Le Fruit, cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi làm NNHC. Cụ thể, hầu hết nông dân Việt Nam đều thực hiện canh tác với quy mô nhỏ nên rất khó tiếp cận các giải pháp tài chính, nhằm lồng ghép với mục tiêu phát triển bền vững.

“Chúng tôi đơn độc trong việc phối hợp với những nông hộ riêng lẻ, nhất là khi tiếp xúc sâu hơn với bà con tại các ấp thuộc vùng sâu xa ở lưu vực sông Mekong. Tại đó chúng tôi cũng gặp nhiều biển hiệu quảng cáo về thuốc trừ sâu, nhưng hầu hết không thấy khuyến cáo rõ ràng về tác động của nó”, ông Đồng nói và cho biết người nông dân chỉ để ý tác dụng phòng, trị sâu bệnh của thuốc, chứ không thực sự hiểu rõ về tác hại của những sản phẩm đó đến môi trường, sức khoẻ.

Cũng theo vị này, làm NNHC là một quá trình đơn độc ngay từ khi vừa bắt đầu, cả về tài chính, thị trường, đến chuyện cấp chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Thậm chí, khi chúng muốn tiếp cận được với người tiêu dùng qua mạng lưới phân phối cũng gặp rào cản. “Không dễ dàng gì khi giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, nhưng may mắn là chúng tôi đã kiên trì theo đuổi và thiết lập được chuỗi tiêu thụ của Le Fruit, bao gồm các khách sạn 5 sao, các siêu thị lớn và xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Đông nói.

Ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm G.C Food (GCF), cũng cho rằng trên thế giới xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững đang được nói đến rất nhiều. Nhưng tại Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm chú trọng, dẫn đến những hậu quả về ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ở đâu đó vẫn xảy ra tình trạng xả thải, ngộ độc thực phẩm. “Những hậu quả đó đều đến từ việc chưa quan tâm đến sản xuất an toàn, phát triển bền vững”, ông Thứ lý giải.

Cũng theo ông Thứ, sở dĩ sản xuất xanh chưa được doanh nghiệp hay nông dân đặt thành mối quan tâm hàng đầu vì họ chưa thấy được hiệu quả tức thì, tức là nghĩ nó còn xa vời hoặc chỉ những doanh nghiệp “thừa tiền” mới đi làm. “Đây là lối suy nghĩ lạc hậu rồi, do trước đây chúng ta không được đào tạo, truyền thông đầy đủ”, ông Thứ nói.

“Làm nông nghiệp bền vững không có gì đao to búa lớn, mà là câu chuyện của niềm tin. Cái khó nhất là xây dựng niềm tin với người nông dân và người tiêu dùng. Làm để có chứng nhận thì dễ lắm, nhưng làm thật, đúng với trách nhiệm xã hội thì cần sự hi sinh”, ông Lê Văn Đồng – TGĐ Công ty Le Fruit

Nông nghiệp bền vững là câu chuyện của niềm tin

Với hành trình hướng tới nông nghiệp xanh còn dài, với rất nhiều khó khăn và thách thức, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng cần nhiều hướng tiếp cận mới mẻ, phù hợp và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế. Theo ông Hoan, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, có thể tiếp cận một cách gần gũi, nhẹ nhàng, như lời chia sẻ “Xã hội trở nên phát triển hơn khi mọi người vun trồng cây xanh, tạo bóng mát, dù biết rằng họ còn chưa chắc có dịp ngồi dưới bóng mát đó”.

Còn ông Nguyễn Văn Thứ cho biết làm nông nghiệp xanh luôn khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự muốn làm và say mê với nó, chứ không phải làm để lấy thành tích. “Quá trình làm việc với bà con nông dân, tôi nhận thấy bà con cũng đang dần thay đổi nhận thức về nông nghiệp sạch, NNHC và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ. Quá trình liên kết với bà con, ngoài việc chúng tôi trả giá thu mua hợp lý, còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách”, ông Thứ nhớ lại,

Để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với vai trò người đồng hành và dẫn đắt, ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực sự đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp. Ngoài ra, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, vì mặt bằng lãi suất hiện ở mức khá cao so với tỷ suất sinh lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, tính ổn định của quy hoạch và chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả, nên cần có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay, thủ tục này khá vất vả, bởi quan điểm cho rằng dễ biến đất ruộng thành đất ở.

Trung Kiên

 Tin tức liên quan