Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 11/06/2023 - 20:52

Nhanh chóng áp dụng các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; loại bỏ dần các nhà máy đốt rác; tận dụng triệt để rác hữu cơ để ủ phân vi sinh là một số điều VN cần thực hiện để quản lý hiệu quả rác thải rắn và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản.

“Cách mạng” xử lý rác thải rắn tại Nhật Bản

Là quốc gia Châu Á có nền công nghiệp hóa từ rất sớm, khủng hoảng chất thải rắn đến với Nhật Bản cũng tương đối sớm. Từ những năm 1980, các bãi chôn lấp rác thải tại Nhật đã rơi vào tình trạng quá tải.

Giải pháp tức thời được đưa ra để thay thế việc chôn lấp là đốt rác thải. Tuy nhiên, trước áp lực từ dư luận cũng như lượng chất thải rắn ngày càng vượt quá mức kiểm soát, chính phủ Nhật Bản đã chuyển trọng tâm chính sách sang kiểm soát nguồn phát thải để giảm rác từ nguồn.

Song song đó, Nhật Bản cũng từng bước kiểm soát phát thải dioxin từ những lò đốt rác. Số lượng lò đốt rác tại Nhật Bản giảm dần, từ hơn 1.300 lò vào năm 2005 xuống chỉ còn khoảng 700 lò vào năm 2019.

Những nỗ lực thực hành kiểm soát rác thải tại nguồn và hạn chế phát thải dioxin đã nhận được kết quả ấn tượng. Cụ thể, lượng rác thải phải xử lý cuối cùng tại Nhật từ 20 triệu tấn năm 1980 giảm xuống còn 4,6 triệu tấn năm 2012, tính riêng rác thải đô thị. Rác thải công nghiệp cũng giảm từ 91 triệu tấn năm 1985 xuống còn 12 triệu tấn năm 2011. Lượng phát thải dioxin cũng giảm 98%, từ khoảng 5kg năm 1997 xuống chỉ còn 0,064kg năm 2004.

Bài học cho VN

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, VN cũng đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng rác thải rắn, tương tự như những gì Nhật Bản đã gặp phải hàng chục năm trước. Mặc dù có nhiều nỗ lực từ phía chính sách trong việc quản lý hiệu quả chất thải rắn nhưng hiện trạng rác thải VN vẫn còn nhiều tồn đọng.

Cuộc khủng hoảng rác thải VN đang phải đối mặt có nhiều điểm tương đồng với thực trạng những năm 1980 tại Nhật Bản. Nhìn từ những nỗ lực giải quyết ô nhiễm và thiết lập kinh tế tuần hoàn của đất nước mặt trời mọc, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho VN.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” cũng như chính sách 3R. Có thể áp dụng các công cụ chính sách hạn chế rác thải thông qua hạn chế hoặc cấm đồ nhựa dùng một lần; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); hạn chế nhập khẩu phế liệu; khuyến khích kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với chất thải hữu cơ.

Thứ hai, sớm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; thu phí rác thải theo khối lượng đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thứ ba, tận dụng triệt để rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, theo đó hỗ trợ người dân cũng như các cơ sở xử lý ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, tiến tới ban hành quy định cấm vận chuyển rác thải hữu cơ ra bãi rác.

Thứ tư, không xây dựng lò đốt rác, kể cả lò đốt rác phát điện. Việc đốt rác lộ thiên và đốt rác trong lò đốt mini cần bị nghiêm cấm. Song song với đó, loại bỏ dần các lò đốt rác không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Mặt khác, tăng cường giám sát phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn, theo dõi phát thải dioxin từ những lò đốt rác.

Thứ năm, huy động sự đồng thuận và tham gia của người dân cũng như doanh nghiệp và các bên liên quan để thực hiện hiệu quả chính sách về quản lý chất thải rắn.

Cuối cùng, xây dựng và củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn và chất thải nhựa. Đề nghị các nhà sản xuất công khai dữ liệu về lượng nhựa đã được sử dụng và kết quả của những giải pháp giảm sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần.

Tóm lại, các nước đang phát triển như VN nên áp dụng các thực hành tốt đã được minh chứng thành công, nên tránh lặp lại các sai lầm mà các nước phát triển như Nhật Bản đã phải trả giá.

T.S (tổng hợp)

 Tin tức liên quan