Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 13/06/2023 - 15:55

Hàng trăm mô hình liên kết chăn nuôi heo hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm đã được tham gia một khóa đào tạo đặc biệt do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Lam “đứng lớp”.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm đứng lớp dạy nuôi heo hữu cơ

Trang trại chăn nuôi heo hữu hữu cơ của ông Huỳnh Ngọc Tây nằm trên đất nông lâm trường ngày trước rộng khoảng 9 ha ở ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Ông Tây cùng với ông Đỗ Thế Lực, cũng ngụ trong ấp này là những người đầu tiên của tỉnh Đồng Nai vừa “tốt nghiệp” khóa đào tạo chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học ở Thừa Thiên Huế hồi đầu năm. Chỉ mấy tháng sau khi bắt tay vào nuôi heo hữu cơ, đến nay cả hai người đều khẳng định: Nếu biết mô hình này sớm hơn thì người chăn nuôi heo ở đây đã không phải lao đao đến như thế.

Ông Nguyễn Hồng Lam trực tiếp chỉ dẫn nông dân kỹ thuật chăn nuôi heo hữu cơ.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác đồng hành phát triển NNHC giữa Tập đoàn Quế Lâm và tỉnh Đồng Nai, huyện Định Quán đã chọn ông Huỳnh Ngọc Tây và ông Đỗ Thế Lực tham gia lớp học 15 ngày tại Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đích thân ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Quế Lâm, “cha đẻ” của giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học trực tiếp đào tạo.

Ông Đỗ Thế Lực chia sẻ: “Kế thừa hệ thống chuồng trại và hàng trăm con heo nái bố mẹ để lại nhưng tôi từng thề sẽ không chăn nuôi nữa. Bởi vì từ trước đến giờ mình quen với kiểu chăn nuôi truyền thống nên thường xuyên gặp phải rất nhiều vấn đề. Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Mấy năm trước chạy vạy vay mượn khắp nơi để đầu tư cuối cùng bể nợ tôi quyết định bỏ không nuôi nữa. Sau đó thấy chính quyền vận động, nói có mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm rất hay nên đăng ký tham gia. Đi tham quan, học tập thấy nuôi heo phương pháp này hay quá nên về quyết định tiếp tục đầu tư”.

Tham gia “lớp học ông Lam” tại Thừa Thiên Huế cùng với nhiều người nông dân đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước, ông Lực và ông Tây được đào tạo đầy đủ trước khi quyết định ký hợp đồng liên kết.

Cách nuôi khác biệt

Ngay sau khóa học tập tại Tổ hợp 4F ở Thừa Thiên Huế, ông Tây và ông Lực đã ký kết hợp đồng chăn nuôi heo hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, nhập 20 con heo nái chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, dự kiến nuôi khoảng 400 con heo thịt mỗi năm. Theo hợp đồng liên kết này, toàn bộ khâu cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra đều do Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ. Phía Quế Lâm cũng hỗ trợ cử người hướng dẫn trực tiếp và giám sát toàn bộ quy tình kỹ thuật chăn nuôi.

Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn chăm sóc đàn nái, tuy nhiên cả ông Lực và ông Tây đều nhận thấy sự khác biệt. Lần đầu tiên họ nuôi heo theo tiêu chuẩn 5 không. Chăn nuôi không cần dùng nước, thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc mà chỉ sử dụng các loại thức ăn hữu cơ…

Chi phí đầu vào của mô hình chăn nuôi hữu cơ rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ cho heo. Tất cả thức ăn được ủ, bổ sung men trước khi cho ăn nên bảo đảm về chất lượng con heo thịt.

Đặc biệt, với công nghệ sử dụng men vi sinh để xử lý nên chuồng trại nuôi heo hữu cơ khô thoáng, không có mùi hôi, không có nước thải. Toàn bộ phế phụ phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ, hiện gia đình ông Tây đang sử dụng nguồn phân bón này để trồng một số loại thảo dược để làm thức ăn cho heo như: hoàng ngọc, xuyên tâm liên, chuối hột…

“Sử dụng phương pháp xông thảo dược giúp heo tăng sức đề kháng, tránh dịch bệnh còn cho heo nghe nhạc nhằm giảm tác động bởi tiếng ồn xung quanh, giúp heo thư giãn và phát triển”, ông Tây cười nói.

Mô hình trồng su su hữu cơ tại Vĩnh Phúc.

Ông Ngô Tấn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học với Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Heo sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là giải quyết được bài toán môi trường. Dự kiến đến năm 2025 Định Quán sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi này ra toàn huyện.

Lan tỏa NNHC

Từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đang xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn trong nông nghiệp. Đặc biệt, với việc Tổ hợp 4F ở Thừa Thiên Huế hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra đã trở thành trường học cho rất nhiều nông dân ở các nhiều địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết hợp tác với gần 30 tỉnh thành từ Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hàng vạn hộ nông dân để trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà phê, các giống lúa, lúa tôm… và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt.

Ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, NNHC đang lan tỏa như là đạo làm nông nghiệp của những người tử tế. Từ những bài học thực tiễn thành công ở Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Tĩnh… cho thấy rõ, ở nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thực sự quyết liệt, thực sự có khát vọng sẽ thành công. Thực tiễn ở đây là bài học lớn để lan tỏa NNHC, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: “Hành trình của Quế Lâm là xây dựng lòng tin và đồng hành với người nông dân nên không có cách nào khác ngoài việc phải làm để người nông dân thấy, đào tạo chuyên môn để nâng cao trình độ, nhận thức cho người nông dân cả.Khát vọng của tôi khi xây dựng Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer) đầu tiên của Việt Nam, công trình tiên tiến nhất của Tập đoàn Quế Lâm là nơi đây không chỉ là trường học đào tạo người nông dân liên kết với Quế Lâm thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà còn là địa chỉ để nhiều địa phương đến tham quan học tập”.

Khát vọng và mục tiêu của ông Lam đến nay đã đang trở thành hiện thực. Không chỉ nông dân từ các tỉnh đến đây mà cán bộ nhiều địa phương và các trường đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để nâng cao nhận thức, tiến bộ kỹ thuật để phát triển NNHC, nông nghiệp tuần hoàn…

Hoàng Anh

 Tin tức liên quan