Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 12/06/2023 - 16:29

Hàng năm, VN sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30 – 50% là phân bón giả, kém chất lượng. Thực trang này không chỉ gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xói mòn lòng tin của người tiêu dùng mà còn làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” trước mắt cũng như lâu dài.

Sản xuất phân giả, phân nhái còn phổ biến

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có 265 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ với công suất trên 4 triệu tấn/năm, tăng 1,7 lần về số lượng và 1,4 lần về công suất so với năm 2017. Có 5.580 sản phẩm phân bón hữu cơ đã được công nhận lưu hành.

Hiện ở một số địa phương trên cả nước vẫn còn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Việc sản xuất phân bón giả đem lại “siêu lợi nhuận” cho đối tượng vi phạm. Các thủ đoạn, hành vi, phương pháp sản xuất phân bón tinh vi hơn như đưa cơ sở sản xuất vào vùng sâu, vùng xa, không có cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón giả.

Dựa vào niềm tin của người dân đối với mặt hàng thường xuyên phải sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, các đối tượng đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo. Chúng còn có hình thức, chiêu bài như bán kèm, khuyến mãi, quà tặng, có lời hứa, khuyến nghị cho người dân tin tưởng vào sản phẩm kém chất lượng…

Việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn cả niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất phân bón vật tư cho nông nghiệp, không những trước mắt mà nhiều năm về sau.

Với những doanh nghiệp có uy tín và đã mất công gây dựng nhiều năm trên thị trường, nếu sản phẩm bị làm nhái trước hết sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, sau đó là hoạt động tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm theo. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là niềm tin của người nông dân đối với các nhà sản xuất.

Có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả, vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhái còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, qua mặt người dân và cơ quan quản lý. Thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất.

Giải pháp nào ngăn chặn?

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình trạng phân bón giả được người dân đặc biệt quan tâm. Hiện nay, nước ta đã có các văn bản pháp luật gồm luật, Nghị định, thông tư… được coi là hành lang pháp lý nhằm kiểm soát tất cả các khâu trong quá trình sản xuất phân bón. Theo ông Đạt, để giải quyết vấn nạn này, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đưa ra 5 giải pháp cơ bản.

Nông dân chính là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất của tình trang phân bón giả.

Một là, rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh.

Hai là, phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công an, biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cả mặt hành chính, thương mại để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Có các chương trình kết hợp với nhau để cơ quan chức năng xử lý nghiêm từ các tin tố giác.

Ba là, tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho tất cả đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý, chính quyền địa phường, người dân để nhận biết rõ hàng giả, hàng nhái.

Bốn là, tổ chức triển khai các mô hình chuỗi liên kết giữa hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để đưa bộ sản phẩm có uy tín, thương hiệu đưa đến người dân.

Năm là, bản thân doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm phải có giải pháp bảo hộ với sản phẩm của mình, giúp cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm. Trên cơ sở đó hạn chế sản phẩm phân bón giả, nhái thương hiệu.

Cao Nguyên

 

 Tin tức liên quan