Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 20/05/2023 - 11:01

Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, luôn hào hứng khi chia sẻ về hành trình làm nông nghiệp tử tế. Câu chuyện của ông cũng là hành trình thay đổi tư duy về NNHC của nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trịnh là người đầu tiên ở xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành (Long An) quyết định chuyển đổi từ trồng thanh long “nặng về hóa học” sang “theo hướng hữu cơ”. Ông cho biết, “cuộc cách mạng” này hết sức gian truân, nhưng phải thay đổi chứ không có con đường nào khác.

Châu Thành cùng với Tân Trụ là vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh Long An với diện tích xấp xỉ gần 9.000ha. Những năm trước, theo lời ông Trịnh, vùng thanh long Châu Thành chủ yếu là lối canh tác “theo hướng hóa học” và đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy. Cây trái nhiễm độc đã đành, sức khỏe người sản xuất bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Năm 2018, ông Trịnh hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ. Hành trình gian nan đến mức ông Trịnh nói rằng người không tâm huyết và không có tiền sẽ rất khó. Chuyển sang NNHC nghĩa là từ bỏ hoàn toàn phân bón, thuốc BVTV hóa học. “Áp dụng phương thức canh tác hữu cơ trên cây thanh long có thể thấy rõ cây phát triển đều, không sâu bệnh, năng suất ổn định, trái đều đẹp và đặc biệt với phương thức không thuốc diệt cỏ, không phân bón hoá học, ko thuốc trừ sâu hóa học… đã tạo ra môi trường sản xuất trong lành, không còn nỗi lo bệnh tật do tiếp xúc với hóa chất độc hại”, ông Nguyễn Quốc Trịnh nói. Từ 400 trụ thanh long ruột tím trồng vào năm 2018, đến nay, mô hình của gia đình ông Trịnh đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát toàn bộ quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7 – 15%, chủ vườn trồng thanh long liên kết vừa nhàn nhã, an toàn hơn mà thu nhập cũng đảm bảo hơn.

Ngoài diện tích liên kết trực tiếp với Quế Lâm, gia đình ông còn mở rộng thêm 2ha theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và trở thành mô hình trồng thanh long đạt chuẩn ở Châu Thành. Sau vài vụ thành công, ông Trịnh vận động người trồng thanh long thay đổi và tham gia vào Hiệp hội thanh long Long An, nơi ông được bầu làm chủ tịch, tham gia vào các HTX trồng thanh long đạt chuẩn…

Những năm gần đây, trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid -19 và những biến động của thị trường, trong khi người trồng thanh long truyền thống gặp khó thì những vườn thanh long hữu cơ ở Châu Thành vẫn ung dung nhờ được bao tiêu và có thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… Đó là những giá trị rõ rệt có thể cân đo đong đếm và Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cũng cho rằng, còn nhiều giá trị vô hình khác mà NNHC mang lại.

Anh Thư

 Tin tức liên quan