Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 05/06/2024 - 07:35

Với mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, từ nhiều năm qua, ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Phong (Bình Xuyên) đã vận động các thành viên trong HTX và bà con nông dân trên địa bàn tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, làm mạ khay, cấy bằng máy, vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng, vừa giải quyết lao động thời vụ, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Phải lỡ hẹn mấy lần chúng tôi mới gặp được ông Đặng Văn Tắc (sinh năm 1964), Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phong, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Nam Bản, xã Tân Phong.

Ở mỗi công việc, ông Tắc luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, bằng sự nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm và khoa học trong xử lý từng việc cụ thể. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ như hiện nay, ông Tắc hiểu và nhận thấy rằng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, liên kết sản xuất lúa hữu cơ là hướng đi phù hợp với thực tiễn ở địa phương để tạo ra sản phẩm an toàn và có giá trị kinh tế cao.

Ông Đặng Văn Tắc (đứng giữa), Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Phong (Bình Xuyên) mong muốn trong thời gian tới tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ trên địa bàn.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Phong có sự phát triển vượt bậc. Nhất là từ năm 2016, khi HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phong chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, kịp thời bắt nhịp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả, tạo điều kiện cho xã viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trước đó, mặc dù là một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện Bình Xuyên, song mỗi năm, nông dân xã Tân Phong chỉ canh tác tối đa 2 vụ và do tập quán canh tác theo lối cũ, lạm dụng phân bón hóa học bón cây đã ăn sâu vào tiềm thức nên bài toán làm thế nào để xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn xã không dễ dàng.

Thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Xuyên về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từ vụ Xuân 2017, các thành viên trong HTX cùng nhiều hộ nông dân trong xã Tân Phong bắt tay vào sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, ứng dụng máy móc theo quy trình khép kín từ làm đất đến gieo cấy, thu hoạch, giúp giảm rõ rệt chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động, giải quyết lao động thời vụ.

Từ những hiệu quả bước đầu của các thành viên HTX trong việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, vụ Xuân năm 2020, trên diện tích 20 ha đã hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, xã Tân Phong được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tập đoàn Quế Lâm lựa chọn thí điểm triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Tham gia vào mô hình, bên cạnh sự hỗ trợ về giống, nông dân còn được hỗ trợ 50% giá trị phân bón và 10 nghìn đồng/sào chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mặc dù có nhiều hỗ trợ hấp dẫn, song thời gian đầu việc triển khai quy trình sản xuất hữu cơ ở địa phương gặp không ít khó khăn do ruồi vàng gây hại, cây lúa hữu cơ phát triển chậm khiến nông dân có phần lo lắng, song, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của HTX và sự hỗ trợ tận tình từ phía Tập đoàn Quế Lâm, bà con kiên trì sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, tình trạng sâu bệnh hại đã giảm đáng kể, hiệu quả sản xuất nâng lên rõ rệt.

Từ năm 2021 đến nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phong do ông Tắc làm Giám đốc đã duy trì mô hình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất lúa, gạo hữu cơ. Điều đặc biệt, không chỉ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông thường mà nông dân tham gia mô hình còn ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi thành phân bón hữu cơ để thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Qua hạch toán, trồng cùng 1 giống lúa, chung thời vụ, thời gian thu hoạch nên nông dân giảm được tiền thuê nhân công, máy móc; đồng thời, tiết kiệm được thêm một khoản chi phí đầu vào nhờ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, được hướng dẫn làm phân bón vi sinh, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi.

Với giá liên kết bình quân 6.500 đồng/kg, mỗi hộ tham gia mô hình thu lãi 650 nghìn đồng/sào. Giờ đây, trên các bờ ruộng lúa không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học vứt tràn lan, bừa bãi như trước; đất đai được cải tạo tốt hơn, môi trường canh tác được đảm bảo, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.

Với những lợi ích thiết thực đem lại, xã Tân Phong sẽ mở rộng diện tích liên kết sản xuất hữu cơ ở địa phương lên 50 ha, đa dạng hóa các loại cây trồng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh tăng hiệu quả kinh tế mà vẫn đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Lưu Nhung (baovinhphuc.com.vn)

 Tin tức liên quan