Đưa thực phẩm sạch vào trường học: Cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm dường như đang có vấn đề, dẫn tới thực phẩm bẩn vẫn có cửa trà trộn vào trong các bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Kết quả, những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng, người tiêu dùng phải sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Có hiện tượng “phù phép”?
Tại Diễn đàn Kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 20/9/2022, vấn đề truy xuất nguồn gốc được nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đặt ra.
Các ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng, xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng “phi tiêu chuẩn”.
Ông Võ Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược – Thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, hiện nay đang bị lẫn lộn giữa thực phẩm truy xuất nguồn gốc (thực phẩm sạch) với thực phẩm phi tiêu chuẩn để đưa vào các bếp ăn, trường học.
“Có bếp ăn ký với chúng tôi về mặt nguyên tắc một ngày tiêu thụ 500kg thịt nhưng lấy của chúng tôi 100kg, còn 400kg thì lấy nguồn khác, dẫn tới các doanh nghiệp đầu tư bài bản rất khó khăn”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân là do công tác kiểm tra còn để lọt hoặc “phù phép”. Theo đó, ông Dũng đề xuất các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn.
Truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiêu thụ
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, đến nay tỉnh đã xây dựng được trên 20 chuỗi sản xuất an toàn, gồm cả rau, củ, quả và thịt, cá. Tỉnh Long An rất muốn đưa nguồn thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể, các trường học. Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tỉnh có sự phối hợp rất chặt chẽ, đã mời các nhà cung ứng trong chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho các doanh nghiệp, trường học.
Khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở NN&PTNT tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành giáo dục giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, theo bà Phương Khanh, hiện nay, phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp là dưới 30.000 đồng, phổ biến chỉ từ 25.000 – 27.000 đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn được.
Chia sẻ thêm về vấn đề các mô hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ hiện nay, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, rất nhiều sản phẩm có giá rẻ là do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó làm lẫn lộn thực phẩm truy xuất nguồn gốc, thực phẩm sạch với thực phẩm được sản xuất phi tiêu chuẩn, không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do yếu tố giá rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, cần phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa.
“Tuy nhiên, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy, cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Toản nói.
Nhật Linh