Hội Nông Nghiệp
Tuần Hoàn Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024. CHÚC QUÝ KHÁCH AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý
Ngày đăng: 12/06/2023 - 16:36

Để nông sản đáp ứng hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu (XK), việc cấp và quản lý mã số vùng trồng là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Chưa chú trọng đúng mức việc cấp và quản lý mã số vùng

Việc truy xuất mã số vùng trồng đóng vai trò rất quan trọng đối với nông sản XK. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước XK; đồng thời giúp nông dân, người kinh doanh ý thức được các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước XK.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng vẫn còn rất thấp, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực, công tác quản lý vùng trồng còn lỏng lẻo. Còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác này.

Công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Đặc biệt, tình trạng “mạo danh” mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại.

6 nhiệm vụ chính

Nhằm khắc phục những hạn chế này, ngày 28/3/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ XK. Chỉ thị nêu rõ: “Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước XK về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những vấn đề kể trên gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, cũng như kim ngạch XK chung của ngành nông nghiệp”.

Trong Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV, Bộ NN-PTNT giao ngành chức năng phải thực hiện 6 nhiệm vụ.

Một là, hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; cập nhật tài liệu hướng dẫn về thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Hai là, chủ động đàm phán với cơ quan kỹ thuật của nước XK để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép XK; giải quyết các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho hoạt động XK.

Ba là, chủ trì, phối hợp địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Bốn là, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho từng đối tượng áp dụng (người nông dân, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương…) về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo chuỗi, từ sản xuất đến XK trên từng loại sản phẩm trồng trọt; đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng.

Năm là, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch.

Sáu là, phối hợp và hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương.

THẠCH LAM

 Tin tức liên quan