Chi hội miền Nam đẩy mạnh NNHC chuỗi giá trị: Kết nối – Hiệu quả – Bền vững!
Quý I/2025, Chi hội NNTH miền Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chuỗi giá trị, lan tỏa khắp các tỉnh phía Nam và ghi nhận sự đồng thuận từ nhiều địa phương, nông dân và đối tác.
Chiều 21/5, tại TP.HCM, Chi hội NNTH miền Nam đã tiến hành sơ kết hoạt động quý I/2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2025. Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội NNTH Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Lan toả nhiều địa phương, hiệu quả bắt đầu rõ nét
Theo báo cáo, tính đến hết quý I/2025, Chi hội miền Nam đã triển khai các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại nhiều tỉnh, bao gồm Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Trong đó, Đồng Nai nổi bật với 10 chuỗi liên kết giá trị đang hoạt động, gồm các loại cây trồng (bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, lúa) và chăn nuôi heo.
Tại Sóc Trăng, các mô hình dưa hấu, vú sữa tím và lúa hữu cơ đạt sản lượng ổn định, được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu toàn bộ. Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng và Ninh Thuận cũng duy trì các chuỗi sản xuất thanh long, lúa, cà phê, táo hữu cơ theo hướng chuỗi giá trị bền vững.
Kinh doanh đạt kết quả ấn tượng, truyền thông hiệu quả
Trong quý I/2025, tổ Kinh doanh nông sản phía Nam đã ghi nhận doanh thu gần 7 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm, tăng 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trung bình mỗi năm, Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu khoảng 1.000 tấn lúa hữu cơ, 250 tấn trái cây và 500 con heo. Mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ đang thể hiện rõ lợi ích trong việc nâng cao thu nhập, bảo đảm đầu ra cho nông dân.
Về công tác tuyên truyền, truyền thông, Chi hội miền Nam đã phối hợp thực hiện hàng chục bài báo, video, bản tin truyền hình và 16 sự kiện truyền thông về NNHC – KTTH. Tổ chức nhiều buổi toạ đàm, tập huấn, gặp gỡ các đại lý, hội viên, cán bộ địa phương được tổ chức để hướng dẫn quy trình canh tác, chăn nuôi và kết nối tiêu thụ…
Nông dân mong được tiếp thêm niềm tin để phát triển nông nghiệp hữu cơ
Tại hội nghị, nhiều nông dân chia sẻ mong muốn được hỗ trợ đầu ra ổn định, đào tạo bài bản và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn để yên tâm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, các nông dân bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng chuyển đổi nếu có cơ chế phù hợp.
“Người nông dân có thể làm được tất cả nếu được hướng dẫn bài bản. Nhưng điều quan trọng nhất là phải sống được bằng nghề, có thu nhập ổn định từ mô hình hữu cơ,” một nông dân chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm mở các điểm bán nông sản hữu cơ, bởi đây không chỉ là kênh tiêu thụ trực tiếp mà còn là công cụ truyền thông hữu hiệu, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm sạch, từ đó tạo động lực cho bà con sản xuất.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu đúng bản chất và lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Ghi nhận các ý kiến đặt ra tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Quế Lâm khẳng định sẽ đồng hành cùng nông dân và các địa phương để tháo gỡ từng nút thắt.
“Chúng tôi xác định, phát triển nông nghiệp hữu cơ không thể nóng vội mà cần sự kiên trì, bền bỉ. Quan trọng nhất là phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu” đại diện Tập đoàn Quế Lâm nhấn mạnh.
Nông dân làm thật, sống thật… sẽ giàu thật từ hệ sinh thái Quế Lâm
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội NNTH Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm đã chia sẻ và truyền lửa về con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị và xây dựng hệ sinh thái bền vững cho nông dân Việt Nam.
Mở đầu bằng câu chuyện giản dị về một quả thanh long hữu cơ được trồng đúng chuẩn, ông Lam khẳng định: “Chỉ khi chính người làm ăn được, sống được, thì nông dân mới có giấc mơ. Và chúng ta hãy bắt đầu từ việc ăn – ăn đúng, ăn sạch – trước khi nghĩ đến xuất khẩu”.
Theo ông, nông nghiệp không thể chỉ là sản xuất – mà phải là văn hóa, là triết lý sống. “Làm ra sản phẩm để người Việt ăn khỏe mạnh đã là một thành công. Xuất khẩu là kết quả tự nhiên khi chúng ta làm đúng”, ông nhấn mạnh.
Ông Lam cũng chỉ rõ những rào cản khiến nông dân chưa thể mạnh mẽ chuyển mình: thiếu niềm tin, thiếu liên kết, thiếu minh bạch trong tính toán chi phí – lợi nhuận. “Không có hiệu quả kinh tế thì không có động lực để làm. Nhưng hiệu quả kinh tế không đến từ gian dối, mà từ minh bạch và hiểu biết”, ông khẳng định.
Đề cập đến hệ sinh thái Quế Lâm với 8 trụ cột, ông Lam cho biết: “Từ đầu vào đến đầu ra, từ cây trồng đến vật nuôi, từ bảo vệ môi trường đến bảo vệ sức khỏe – tất cả đều phải tuần hoàn, đều phải lành mạnh”.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh, sản phẩm hữu cơ không chỉ là hàng hóa, mà là lời hứa với đất, với nước, với không khí và với chính sức khỏe con người.
“Làm nông thời nay phải biết tính toán, biết thương hiệu, biết đoàn kết, và quan trọng nhất là biết chia sẻ. Nông dân tham gia chuỗi giá trị Quế Lâm không chỉ làm ra nông sản – mà còn đang làm từ thiện cho đất, cho nước, cho con người bằng cách sống khỏe và sống tử tế”, ông Nguyễn Hồng Lam nhắn gửi.
Cũng tại hội nghị sơ kết, Tập đoàn Quế Lâm đã chính thức ra mắt hai Trung tâm tại miền Nam. Cụ thể là Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực kinh tế nông nghiệp organic tuần hoàn Quế Lâm miền Nam và Ban đầu tư phát triển kinh tế NNHC tuần hoàn chuỗi giá trị Quế Lâm miền Nam. Đây sẽ là nơi đào tạo nông dân cho nông dân – đào tạo để làm thật, sống thật, giàu thật từ nông nghiệp.
Ngoài ra, Tập đoàn Quế Lâm cũng tiến hành ký kết hợp tác sản xuất NNHC – KTTH chuỗi giá trị Quế Lâm với các hộ nông dân tại Bà Rịa – Vũng Tàu.