Phát triển NNHC theo chuỗi giá trị: nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông
NNHC có những bước phát triển tích cực nhưng đang bộc lộ những “điểm nghẽn” cần được khơi thông để phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều đại biểu đã có ý kiến như vậy tại Diễn đàn đối thoại phát triển NNHC theo chuỗi giá trị, do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 21/11 tại TP.HCM.
Lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh NNHC ngày càng đông
Thông tin tại diễn đàn, ông Trần Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tính đến năm 2020, diện tích đất canh tác hữu cơ của cả nước hơn 174.000 ha. Hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất NNHC, hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh NNHC ngày càng đông đảo.
Cả nước đã hình thành nhiều nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ theo chuỗi ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; có hơn 17.000 cơ sở sản xuất NNHC, khoảng 550 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu, 40 nhà nhập khẩu.
Không có thị trường thì không thể làm NNHC
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, thị trường nông sản hữu cơ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, phát triển NNHC tại VN còn gặp nhiều khó khăn. Việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tập trung còn yếu, mà chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán; chi phí sản xuất, vật tư đầu vào cho sản xuất NNHC cao; nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hạn chế; nhận thức và lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ chưa cao; việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn không ít bất cập; an toàn vệ sinh thực phẩm còn phức tạp…
Một số doanh nghiệp chuyên phân phối thương mai sản phẩm hữu cơ bức xúc khi hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm cố tình gắn mác hữu cơ, trong khi quy trình sản xuất không phải hữu cơ. Điều này gây thiệt hại rất lớn về uy tín đối với sản phẩm hữu cơ thật. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài và giải quyết sự không công bằng này để bảo vệ các doanh nghiệp làm hữu cơ trách nhiệm và củng cố không lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, nêu một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là đất làm NNHC. “Diện tích đất làm NNHC rất hạn chế bởi không phải đất nào cũng làm được, trong khi lại chịu ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Do vậy, Nhà nước phải hết sức quan tâm công tác quy hoạch, chuyển đổi, bảo vệ diện tích đất làm NNHC một cách lâu dài, ổn định”, bà Minh nêu ý kiến.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, khâu tiêu thụ vẫn đóng vai trò quyết định. “Nếu không có thị trường thì không thể làm NNHC”, ông Thanh nêu quan điểm.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ xuất khẩu ít, do đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến kênh tiêu thụ trong nước, bởi tổng mức tiêu thụ thị trường trong nước các sản phẩm NNHC hằng năm khoảng 500 tỷ đồng, trong đó 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội chiếm 80% cả nước, đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc Bộ tổ chức Diễn đàn đối thoại về phát triển NNHC theo chuỗi giá trị là nhằm tập trung lắng nghe ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ NNHC về những mặt được, chưa được để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. “Xu hướng chuyển đổi từ nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đây là một chiến lược lâu dài, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp thực tế với mục tiêu là phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Trung Nguyên